Gốc măng tây loại 6 tháng
1. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MĂNG TÂY
Măng tây là loại rau có giá trị kinh tế cao, có tên khoa học là Asparagus offcinalis. Sản phẩm là phần thân mầm nằm trong đất (măng non) có hàm lượng dinh dưỡng cao (măng non) protit 2,2 %, gluxit 1,2 %, xenluloza 2,3 %, tro 0,6 %, canxi 21 mg%. Giống cây này xuất hiện ở Việt Nam từ hơn một trăm năm trước. Cây măng tây được trồng rộng rãi trong cả nước. Nhiều vùng trong nước đã từng trồng măng tây để chế biến xuất khẩu như Đông Anh (Hà Nội), Kiến An (Hải Phòng), Đức Trọng (Lâm Đồng). Thị trường xuất khẩu măng tây chủ yếu của Việt Nam là các nước Tây Âu và ngày càng được mở rộng ra sang các khu vực khác. Các nhà hàng, khách sạn trong nước hiện cũng có nhu cầu tiêu thụ loại sản phẩm này.
2. ƯƠM CÂY CON:
Vỏ hạt măng tây cứng nên trước khi gieo hạt trong nước nóng 35 độ C trong 1 ngày, vớt ra ủ ở nhiệt độ 25 độ C cho nứt nanh rồi mới gieo. Chỉ gieo những hạt nẩy mầm. Gieo sâu 1 – 2,5 cm, trên mặt luống phủ một lớp mùn mục rồi tưới ẩm. Bón phân và chăm sóc giống như những cây rau khác trong vườn ươm. Thời gian cây con ở vườn ươm từ 3- 6 tháng.
3. TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
Chồi măng nằm sâu trong đất, muốn măng phát triển tốt, năng suất cao phải chọn đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất nhẹ, tơi xốp, dễ thoát nước.
Đất cần cày bừa kỹ, luống rộng 50 – 70cm, rãnh rộng 30 – 40cm, long rãnh đào thành từng hố vuông rộng 25 – 30cm, sâu 20 – 30cm, hố cách hố 40 – 50cm. Cho đất mặt vào trong hố, trộn đều với phân bón
Lương phân bón cho 1 ha là 30 – 40 tấn phân chuồng hoai, 200kg đạm Ure, 150kg Kali Sulfat. Sauk hi chuẩn bị xong bứng cây con trồng vào hố và tưới nước ngay. Thường xuyên giữ ẩm cho cây.
Sang tháng thứ 2 sau khi cây măng tây được trồng đã cứng cáp, vun dần đất ở luống vào gốc cây và sau đó 1 tháng vun nốt số đất còn lại làm thành luống cố định cho măng.
Kết hợp với phân bón thúc phân với lần vun gốc cuối cùng này. Lượng phân thúc: 60kg đạm Ure + 60kg Kali Sulfat + 90kg Supe Lân.
Hàng năm vào tháng 3 lại bón cho măng với lượng phân như trên
Cần chú ý cân bằng giữa phần thu hoạch (chồi măng) và bộ phận quang hợp gồm các thân cây măng mọc trên mặt đất. Thông thường mỗi gốc măng người ta để lại 3 chồi mọc chính (3 cây trên mặt đất – xem như là những cây mẹ) có chức năng quang hợp, tích luỹ để nuôi chồi và các bộ phận dưới đất.
Các chồi măng khi lên gần mặt đất (khi thấy mặt đất nứt nẻ) là có thể thu hoạch dùng làm thực phẩm và thiếp tục thu hoạch cho đến khi “cây mẹ” già, lá vàng thì thay cây mẹ khác.
Qua kinh nghiệm trồng trọt cho thấy các cây mẹ chỉ tồn tại trong 3 tháng, sau khi thu hoạch rộ măng thì chặt bỏ cây mẹ cũ để các chồi mọc thành cây mẹ mới.
Kỹ thuật chăm sóc, thời gian thu giữ cây mẹ trong vườn măng và thời gian thu hoạch ở các vùng khác nhau không giống nhau. Người làm vườn nên chú ý đúc kết kinh nghiệm để xử lý các cây mẹ và có vụ thu hoạch tốt nhất
4. SÂU BỆNH
Măng tây ít bị bệnh, sâu hại chính gồm sâu xanh, sâu róm, dế trũi…. Đối với sâu xanh xịt BI 58, Triscophos; sâu róm dùng Wofatox, Dipterex nồng độ 0,1 % phun lên thân lá. Chú ý bệnh Cercospora asparagi phá hại cành lá, đề phòng nấm Fusarim phá hại rễ.
5. THU HOẠCH, BẢO QUẢN:
Khi thấy mặt luống rạn nứt hoặc vồng lên thì thu hoạch ngay. Dùng giầm đào đất xung quanh chỗ măng mọc, bới đất lên, dùng tay tách măng ra khỏi rễ trụ. Nên thu hoạch vào sang sớm trước lúc mặt trời mọc để măng được trắng, không biến màu xanh. Thu hoạch xong che kín không cho ánh sang chiếu lọt vào măng, nếu chưa sử dụng thì bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 1 - 2 độ C, độ ẩm không khí 95%. Đối với măng xanh, khi chồi măng vượt khỏi mặt luống 5 – 6 cm là có thể thu hoạch được.
Sau khi thu hoạch, lấp đất thật chặt và san bằng luống sau đó dung nước phân lỏng tưới vào gốc. Chăm sóc tốt năm đầu tiên mỗi gốc măng thu được 2 – 3 chồi, năm thứ hai 8 – 10 chồi, mỗi chồi nặng trung bình khoảng 50 gram.
Đường kính gốc măng là tiêu chuẩn để phân loại măng. Đường kính gốc > 2 cm là măng tốt, có thể xuất khẩu tươi, từ 1,5 – 1,9 cm là loại trung bình dùng làm măng hộp và dưới 1,4 cm để tiêu dung tươi tại chỗ.
6. ĐỂ GIỐNG:
Khi quả măng già, đỏ mọng, thu về, bóp lấy hạt đem phơi kỹ 3 – 5 nắng rồi bảo quản để gieo vào mùa thu. Hạt thu được từ cây F1 không dùng để làm giống.